Tế Điên Hòa Thượng Tác giả: Truyện dân gian TQ Chương 10: Chương 10 Dịch: Đồ Khùng Nguồn: Nxb Âm nhạc Mời đọc Triệu Bân đêm dọ Các Thiên lâu Anh hùng trượng nghĩa cứu công tử Thơ rằng: Bọt nước phù hoa bã lợi danh Lửa hồng đốt rụi cả mày xanh Sang hèn giàu có thay phúc chốc Trí nhân tạng mắt chỉ cười lành. Tế Điên đang ở trong nhà đốt hương thỉnh Vi Đà, thì nghe trên nhà có tiếng hô to: - Ngô thần đã đến. Thật ra người đến không phải là Vi Đà thật mà là người ở huyện Đơn Dương, phủ Trấn Giang, họ Triệu tên Cửu Châu cưới vợ là Mai thị sinh chỉ được một đứa con trai đặt tên là Triệu Bân, tánh tình lãng mạn, nhưng không kém phần cứng rắn, được cha truyền võ nghệ quyền bổng, kể ra cũng có hạng. Triệu lão anh hùng suốt đời chỉ dạy dỗ có hai đồ đệ. Đại đồ đệ chính là Oai trấn bát phương Dương Minh ở huyện Ngọc Sơn, Giang Tây. Nhị đồ đệ chính là Y Sĩ Hùng làm cận tướng cho Đông lộ tiêu đầu. Triệu Cửu Châu mắc bệnh nặng, kêu Mai thị lại bên giường nói: - Sau khi ta chết rồi, ngàn muôn lần bà đừng cho Triệu Bân đi làm bảo tiêu nhé. Nó hẹp hòi tự đại cuồng ngạo không biết gì chỉ tổ làm mất chút hư danh của ta truyền lại cho đời sau mà thôi. Nói rồi xuôi tay tắt nghỉ. Mẹ con Mai thị lo việc tang ma đã xong, của cải còn lại cũng đủ sống qua ngày. Triệu Bân nhờ có gia tư của cha để lại đủ sống nên không phải làm việc chi, rảnh tay giao du với mấy người bạn ở xóm, một người tên là Tần Nguyên Lượng, trác hiệu là Phi thiên hỏa tổ, còn một người nữa tên là Mã Dao Hùng, trác hiệu là Lập địa ôn thần. Hai người này trong giới lục lâm, cùng kết bạn với Triệu Bân. Một ngày kia ba người cùng nhau ăn cơm, Tần Nguyên Lượng nói: - Này Triệu hiền đệ, hiền đệ có biết chúng ta đang làm gì không? Triệu Bân nói: - Em thực không biết hai anh đang buôn bán vật chi. Tần Nguyên Lượng nói: - Chúng ta đều làm nghề giặc cướp đây, không phải là làm những tên giặc hái hoa gian dâm tầm thường đâu mà là chuyên đi trộm của nhà giàu giúp đỡ nhà nghèo, giết tham quan, chém ác bá, trừ bạo an lương, chuyên can thiệp những chuyện bất bình thường. Nhân vì yêu hiền đệ là người có tài, muốn kéo hiền đệ nhập bọn để hành hiệp tác nghĩa đó thôi. Ta có đem theo một bộ đồ da hành dành cho hiền đệ đây. Nói rồi, lấy đưa cho Triệu Bân một cái túi vải. Triệu Bân mở ra xem thấy bên trong những thứ đi đêm đều đầy đủ, và cũng từ hôm đó Triệu Bân cùng hai bạn đang đêm thường đi trộm của người giàu giúp kẻ nghèo. Một hôm Triệu Bân bỏ quên bọc đồ ở nhà, Mai thị mở ra xem thấy áo dạ hành. Vợ Triệu Cửu Châu có từng thấy qua đồ dùng luyện võ của chồng nên biết được. Lúc đang xem thì Triệu Bân từ ngoài đi vào. Mai thị thấy mặt con đùng đùng nổi giận mắng: - Triệu Bân, cha mi thân danh làm bảo tiêu một đời anh hùng, danh tiếng vì mi mà tiêu hết, bây giờ mi lại đi làm giặc cướp hử? Con ơi là con! Ta đập đầu chết phức cho rồi, không sống làm chi nữa! Triệu Bân vội thưa: - Xin mẹ đừng giận, mẹ không muốn con làm giặc thì con xin thôi không làm giặc nữa. Mai thị bảo: - Mi đem đồ dạ hành đốt đi, ném dao đi nhé! Rồi lại nghĩ: "Chỗ này ở không khá rồi, bắt nó đoạn tuyệt với đám bạn bè này rồi, tụi khác lại rủ rê nữa!". Lão thái thái muốn bắt chước phương pháp Mạnh mẫu dời nhà để dạy con, bèn vội bán hết đồ đạc trong nhà, chỉ mang theo vàng bạc và đồ tế nhuyễn cùng con đến Lâm An phủ ở Kinh sư, mướn nhà của Vương Hùng bán trái cây ở hẻm Thanh Trúc, ngõ Hồ Đồng. Ở đây Triệu Bân cũng không làm việc gì. Mẹ của Vương Hùng là Vương lão thái thái thấy vậy mới nói: - Triệu lão thái nè, tại sao không bảo thằng bé đi buôn bán với người tả Ở nhà lần khân ăn mãi núi cũng hết nữa là! Mai thị nói: - Cháu bé nó từ nhỏ đã chẳng làm việc gì, nên bây giờ chẳng biết việc chi để làm. Vương lão thái nói: - Thì bảo nó theo thằng nhỏ nhà tôi lên hàng trái cây mua về bán lại, tập riết rồi quen. Mai thị nghĩ cũng phải, về bàn với con, Triệu Bân cũng đồng ý. Hôm sau Triệu Bân đem theo hai điếu tiền cùng Vương Hùng lên hàng trái cây tươi ngon. Vương Hùng nói: - Anh mua chỗ trái cây này rẻ lắm đấy, tính ra lời cũng phải gấp đôi, người ta trả đúng bốn điếu mới bán nhé, anh liệu mà đi bán đi. Triệu Bân ăn bánh xong, xách giỏ nhỏ ra đi, gặp người ta không dám mời rao, đi qua mấy con đường ở Hồ Đồng, người ta cho là đưa lễ vật đi tặng vì bộ dáng không giống người đi buôn bán nên chẳng có ai mua hết. Triệu Bân đi đến ngõ Phụng Sơn, thấy mé Bắc có một tòa cổng lớn giống như nhà quan, trong cổng có treo một tấm bảng to, Triệu Bân xách giỏ trái cây để trên đất, rồi ngồi ngay trước cổng ngây người nhìn giỏ trái cây của mình. Một lát bên trong có một vị viên ngoại đi ra tiễn khách, vị viên ngoại đó mình cao tám thước, vai hổ lưng gấu, mặt như giấy ô kim, mày cong mắt lộ, họ Trịnh tên Hùng, người ta thường gọi là Thiết diện thiên vương. Vốn dòng dõi thế gia, lại đỗ Võ tiến sĩ, ông ta ở nhà thường thấy nghĩa quyết làm, ưa thích việc thiện. Hôm nay đưa khách ra cửa, thấy Triệu Bân tướng mạo khác người đang ngồi bơ phờ bèn đem lòng ái mộ, hỏi: - Này bạn, bạn làm gì ngồi đây? Triệu Bân đáp: Tôi bán trái cây. Trịnh Hùng hỏi: Bạn bán bao nhiêu tiền giỏ trái cây này? Triệu Bân đáp: Giỏ trái cây này tôi mua hai điếu vốn, phải bốn điếu mới bán được. Trịnh quan nhân bảo người nhà xách giỏ trái cây vào và lấy bốn điếu tiền đem ra trả. Trịnh Hùng lại hỏi: - Này bạn, chắc bạn chưa từng buôn bán phải không? Triệu Bân nói: - Hôm nay tôi mới bán lần đầu. Nói rồi cầm bốn điếu và xách giỏ về, nói với mẹ là hôm nay lời được hai điếu. Hôm sau lại cùng với Vương Hùng ra chợ đếm hai điếu trái cây, trở về nhà ăn cơm xong, không đi chỗ nào khác lại xách giỏ trái cây đến đường Phụng Sơn nơi nhà Trịnh Hùng, để giỏ trái cây đó ngồi chờ. Chờ mãi đến xế trưa, Trịnh Hùng mới ra cửa. Vừa ra tới cửa, Triệu Bân kêu lại nói: - Ông đừng đi, tôi đưa trái cây lại cho ông đây. Trịnh Hùng hỏi: Ai bảo bạn đưa đến vậy? Triệu Bân nói: Ông lấy đem vào nhà thì tôi khỏi đem chỗ khác bán nữa. Trịnh Hùng nói: Cái này là bạn muốn chớ tôi đâu muốn. Chi bằng mỗi ngày tôi bỏ ra hai điếu cho không bạn có được không? Triệu Bân nói: Được chớ. Trịnh Hùng nghe vậy cũng vui, nói: - Bữa nay để trái lại đây, ngày mai đừng đem tới nữa. Tôi không cần đâu. Nói rồi kêu gia nhân lấy bốn điếu tiền ra đưa chọ Triệu Bân nghe nói cũng buồn, dễ gì bán được giá như đã liệu, lại mất một mối rồi! Triệu Bân cầm tiền trở về nhà và từ đó tập buôn bán lặt vặt, có khi được lời có khi lỗ vốn. Một hôm, nhân vì Hoa thái tuế Vương Thắng bắt cóc con gái người ta đi dạo Tây Hồ. Triệu Bân giữa đường gặp chuyện bất bình, đánh chết ba mạng người, may nhờ Tế Công cứu khỏi và nhận Tế Công làm sư phụ. Hôm nay Tế Điên ra khỏi nhà Lý Quốc Nguyên chính là đi tìm anh chàng bán trái cây Triệu Bân đó. Tế Điên nói: - Này Triệu Bân, đi uống rượu với ta chơi. Triệu Bân cùng với Tế Điên vào tửu quán uống rượu. Tế Điên nói: Bữa nay ngươi giả làm Vi Đà một lát nhé. Triệu Bân hỏi: Tại sao phải giả làm Vi Đà? Tế Điên mới đem việc Lý Quốc Nguyên đánh mất Ngũ lôi bát quái thiên sư phù, nó lại rơi vào Các Thiên lâu nơi hoa viên ở phủ Thừa tướng, và bảo Triệu Bân đi lấy nơi trộm đem về. Đến nhà họ Lý giả dạng Vi Đà che mắt chúng nhân. Triệu Bân nói: Tôi không biết nhà Lý Quốc Nguyên ở đâu. Tế Điên nói: Để ta đưa ngươi tới đó. Uống rượu xong, trả tiền rồi dẫn Triệu Bân đến cổng nhà họ Lý, Tế Điên nói: - Tối nay ngươi đến nhà làm như vậy, như vậy nhé! Triệu Bân gật đầu trở về nhà, nói với mẹ: - Sư phụ Tế Công bảo con tối nay giả làm ông Vi Đà! Mai thị hỏi: Sao phải giả làm ông Vi Đà? Triệu Bân nói: Sư phụ bảo con giả làm ông Vi Đà đến tướng phủ tìm Ngũ lôi bát quái thiên sư phù. Mai thị biết Tế Điên là ngươi tốt, nếu không phải là việc của Tế Điên sai bảo, tối nay cũng không cho con đi. Triệu Bân thay đổi y phục, giắt một con dao thái rau, trời vừa tối, để mẹ khỏi mở cửa, Bân vượt tường đi ra. Đến nhà họ Lý, nằm mọp trên nóc nhà trong bóng tối chờ sẳn. Nghe Tế Điên gọi Vi Đà sao không đến còn đợi chừng nào, Triệu Bân ứng tiếng đáp lại: - Ngô thần đã đến. Tế Điên nói: - Này lão Vi, ông hãy đến Các Thiên lâu ở hoa viên Tần tướng phủ lấy Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về cho ta nhé. Triệu Bân nói: - Xin tuân pháp chỉ. Nói rồi vượt nhà nhảy tường đi về phía phườngTần Hợp. Đến hoa viên tướng phủ thấy hoa viên quá lớn, không biết tòa nào là Các Thiên lâu! Thật là: Thủy các lương đình, Lâu đài san sát, Hoa nở bốn mùa chẳng dứt, Cỏ xuân tám tiết còn hoài. Nhảy xuống bờ tường, Triệu Bân đi tìm khắp nơi, tìm đến Đông bắc, riêng có một cái nhà đó là Bắc phòng, ánh sáng chập chờn, hai bên đều có nhà phụ. Trong Bắc phòng ánh đèn chập chờn, bóng người lay động, Triệu Bân đi đến phòng đó, ở bên ngoài lấy lưỡi thấm nước miếng xoi thủng giấy cửa sổ nhìn vào. Cách chõng tre trước mặt, một cái bàn bát tiên để sát vách với hai cái ghế. Trên tường, thanh đơn đao lấp lánh ánh bạch lạp để trên bàn. Hai người ngồi đối diện ở bàn uống trà. Người ngồi phía Đông, tuổi độ ngoài 60, da mặt hơi trắng, hai đạo lông mày kiếm trên đôi mắt hình ba góc, với chùm râu ngà bạc, đầu đội khăn màu lam bốn góc, mình mặc áo bào lam hào hoa. Đối diện là một vị chừng 30 tuổi, đầu đội mũ tráng sĩ màu xanh, mình mặc áo tiễn tụ bào màu xanh, lưng thắt dây tơ, quấn xà cạp rằn. Lúc đó, người già nói: - Tráng sĩ nè, tôi đưa tráng sĩ về đây phò dưỡng lành mạnh rồi, bây giờ cũng muốn tráng sĩ giúp cho một việc, tôi chỉ mong việc này được kết quả tốt. Tôi xin đưa tặng tráng sĩ 100 lượng bạc, và đây tráng sĩ hãy cầm lấy. Dù ở chân trời góc bể nào, tráng sĩ cũng đừng tiết lộ để dây dưa đến cửa quan. Nói rồi, ông già bèn rút trong bọc ra hai gói bạc để ở trên bàn, ánh bạc chói lấp lánh. Vị tráng sĩ đó nói: - Cảm tạ Ơn đức tài bồi của lão trượng, nếu từ chối thì bất kính mà nhận lấy thật hổ thẹn trong lòng. Xin cho được mang tội bất kính. Ông già nói: - Tráng sĩ nè, cung kính không bằng nghe lời! Bèn thấy vị tráng sĩ ấy bạc nhét vào túi rồi đứng dậy với lấy thanh đao trên vách, nói: - Thưa lão trượng, lát nữa bất luận bên ngoài có động tịnh chi, người đừng quan tâm nhé. Lát sau sẽ có đầu người trình cho người. Nói rồi mở cửa đi ra ngoài. Triệu Bân lật đật nép vào bóng tối, đợi người ấy đi qua khỏi, theo dõi ở phía sau, bụng nghĩ: "Chắc chắn là hắn ta đi giết người, ta phải nom theo mới được". Thấy người ấy đi qua nhà hai tầng ở phía Tây. Qua khỏi bốn bức lục bình phong có ba gian phòng, ánh đèn mờ tỏ, hình như có tiếng đọc sách. Triệu Bân thấm nước miếng dùi giấy cửa sổ nhìn vào, thấy bên trong có một cái bàn bát tiên và hai cái ghế. Một vị văn sanh công tử đang ngồi trên ghế đọc sách, kế bên là một lão bộc đang hầu hạ. Người kia bước vào dằn dao trên bàn nói: - Hai chủ tớ nhà ngươi hãy cung xưng lai lịch cho rõ ràng, hôm nay ta đến lấy tánh mạng các ngươi đây! Công tử cùng gia nhân sợ bò lăn dưới đất, nói: - Xin hảo hán gia tha mạng cho! Người muốn hỏi chúng tôi điều gì, chúng tôi sẽ từng phần từng đoạn giải bày hết cho người. Triệu Bân nghe nói lửa giận phừng phừng, rút dao thái rau muốn xông vào nhà can thiệp.
Tế Điên Hòa Thượng Tác giả: Truyện dân gian TQ Chương 11 Dịch: Đồ Khùng Nguồn: Nxb Âm nhạc Mời đọc Anh em nhận mặt cùng tỏ khúc nhôi ngày cũ Tớ thầy lánh nạn tạm thời trốn ở Lý gia Có thơ rằng: Nhà tranh mé núi nước xanh trong Tới lui chầy tháng hóa thêm nồng Mấy hàng đào lý hoa hồng bạch Một thảm đồng xanh lúa trổ bông Chõng trúc đêm nằm mưa gõ nhịp Bên song hé mở ngắm mây hồng Nhân sinh vô sự thân nhàn cảnh Được đến thanh nhàn há bổng không. Lại nói Triệu Bân núp trong bóng tối, nhìn thấy người kia xách dao tiến vào muốn giết hai chủ tớ nọ. Vị công tử sợ run lập cập quỳ dưới đất cầu xin đại thái gia bớt trận lôi đình để tôi từ từ thưa bẩm. Vị lão bộc cũng quỳ dưới đất bên chủ. Kế nghe vị tráng sĩ kia nói: - Hai chủ tớ nhà ngươi sự tình như thế nào hãy mau nói ra! Vị lão quản gia nói: - Lão nhân muốn biết, chúng tôi xin giải bày. Gia chủ tôi họ Từ tên Chí Bình, nguyên quán ở quận Kiến An. Lão thái gia nhà tôi tên là Từ Chiếm Khôi, cùng với vị tổng quản Hàn Điện Nguyên của hoa viên Tần tướng phủ đây là bạn chi giao. Hàn Điện Nguyên có một người con gái đồng một tuổi với con gái nhà tôi, ông ấy tình nguyện đem con gái gả cho công tử tôi và đã định hôn ước từ thuở nhỏ. Về sau lão gia tôi qua đời, trong nhà lại gặp trận hỏa hoạn, bao nhiêu gia tài của cải đều bị thiêu rụi. Tôi cùng công tử đến đây nương nhờ tình thân gia. Hàn Điện Nguyên thấy chủ tớ nhà tôi quần áo rách nát, bèn có ý ăn năn, khinh nghèo ưa giàu. Ngoài mặt ông ta lưu chủ tớ lại, bảo công tử tôi ở hoa viên này đọc sách, nào ngờ ông ấy lại kêu lão nhân gia đến hại chủ tớ tôi. Tráng sĩ cầm dao nghe thế mới nói: - À ra vậy, ta thật không biểt. Nói rồi thò tay vào túi lấy 100 lượng bạc ra nói: - Đây ta tặng chủ tớ ngươi, nên kíp trốn khỏi chốn này tìm nơi khác ở, gắng công học tập đợi kỳ đại khoa vào thí trường tìm chút công danh. Các ngươi đừng ở đây nữa, e rằng ông ấy còn muốn gia hại các ngươi. Triệu Bân vốn là người trực tính, quên mình đang nghe lén, trong lòng rất hào sảng, nghe tráng sĩ nói thế, buột miệng nói: - Việc đó tính như vậy phải lắm. Vị tráng sĩ nghe ngoài có tiếng nói, lập tức rút dao chém xuống đầu Triệu Bân. Triệu Bân lật đật lấy dao thái trả đòn. Hai người mấy phen đối diện. Triệu Bân kinh ngạc nghĩ thầm: "Sao đao pháp của người này giống ta thế?". Vị tráng sĩ kia cũng lấy làm kỳ vội nhảy ra vòng chiến, lấy đao chỉ Triệu Bân hỏi: - Chú kia khoan đánh nhau đã! Họ tên chú là gì? Ở đâu? Học nghề với ai và đến đây làm gì? Triệu Bân đáp: - Ta họ Triệu tên Bân, trác hiệu là Thám nan thủ vật, ngươi nếu biết ta lợi hại thì chẳng nên đâm đầu vào chỗ chết. Vị tráng sĩ vừa nghe vội thu đao lại, nói: - Té ra là hiền đệ, cái này thật là nước chầu về long vương miếu, anh em một nhà mà không nhìn nhau được. Triệu Bân hỏi: Ngươi là ai? Tráng sĩ nói: Ta họ Y tên Sĩ Hùng, hiền đệ quên ta rồi sao? Triệu Bân nhớ lại hồi còn bảy tám tuổi, Y Sĩ Hùng đang học võ nghệ với cha mình, cách nay hơn mười năm rồi. Triệu Bân liền bỏ dao thái rau xuống bước tới thi lễ. Hai người cùng bày tỏ nỗi niềm ly biệt. Y Sĩ Hùng nói: - Từ khi ta theo Đông lộ bảo tiêu trở về, nghe nói sư mẫu cùng hiền đệ đã dọn đến kinh sư rồi. Ta dò la mãi mà cũng không ra. Kế ta bị bệnh ở Tam Thuận điếm, trên đùi bị một mụt ghẻ độc, gặp Hàn Đại Nguyên, tổng đốc ở hoa viên này là chủ của Tam Thuận quán. Ông ấy thấy ta bị bệnh mới rước về hoa viên này trị thuốc dưỡng thương lành mạnh. Hôm nay ông ấy cho ta 100 lượng bạc bảo ta đi giết kẻ cựu thù. Ta đi đến đây mới biết rõ sự tình là thế. Còn hiền đệ đến đây để làm gì? Triệu Bân đem việc sau ngày từ biệt thuật qua một lượt. Hôm nay vâng lệnh Tế Công đến để lấy trộm Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về. Y Sĩ Hùng nói: - Hiền đệ hôm nay may mắn được gặp ta, nếu không gặp ta, hiền đệ không làm sao trộm được linh phù đem về. Bây giờ hiền đệ cùng ta đưa chủ tớ Từ Chí Bình lánh đi trước, sau đó ta sẽ tiếp tay hiền đệ đi trộm linh phù. Hai người vào nhà kêu Từ Chí Bình mau mau thu dọn đồ đạc đi lánh nạn, 100 lượng bạc đem theo để làm lộ phí. Từ Chí Bình hỏi họ tên Y Sĩ Hùng, lão gia nhân Từ Phước cũng dập đầu cảm tạ ân công, rồi vội vàng thu dọn cầm kiếm rương sách. Từ Phước hỏi: - Y ân công, đêm tối như thế này, thầy trò chúng tôi biết đi đâu bây giờ? Kinh đô là nơi trọng địa, tuần canh đi tra xét rất nhiều, rủi bị bọn họ bắt được, chúng tôi phải làm sao? Y Sĩ Hùng nghe nói có lý, nói: - Này Triệu hiền đệ, hiền đệ có chỗ nào yên không, tạm thời cho hai người đến đó, ngày mai lại tìm lữ điếm trú ngụ. Triệu Bân nói: - Y huynh trưởng hãy ở đây chờ giây lát, hai chủ tớ ngươi hãy theo ta. Triệu Bân định đưa hai người ra góc vườn rồi dẫn về nhà mình, nào ngờ ra khỏi góc vườn không xa thấy có một người đứng thù lù ở đó, chính là Tế Điên. Triệu Bân nói: - Có sư phụ đây hay quá! Bây giờ chủ tớ ngươi phải làm như vậy, như vậy… Tế Điên nói: - Được, ta đến đây là gì việc này đó. Ta đang ở trong thơ phòng uống rượu với bọn họ, nói lời cáo lỗi rồi thẳng ra đây. Bây giờ ngươi giao bọn họ cho ta và đi lo làm việc ta nhờ đi. Từ Chí Bình nhìn kỹ là một vị Hòa thượng liền hỏi: - Vị Hòa thượng này tên họ là gì vậy? Triệu Bân đáp: - Đây là Tế Công trưởng lão ở Linh Ẩn tự đấy. Từ Chí Bình nghe nói vội vàng thi lễ. Tế Điên bèn đưa họ về nhà họ Lý, bảo Từ Phước bỏ đồ trong nhà rồi dẫn hai người vào thư phòng. Triệu Văn Hội và Lý Quốc Nguyên đang uống rượu thấy Tế Điên dẫn vào một vị văn sanh công tử và một người lão bộc, vội vàng đứng dậy hỏi: - Bạch sư phụ, nãy giờ lão nhân gia đi đâu vậy? Và mang về hai người nào đây? Tế Điên mới đem cội nguồn Từ Chí Bình kể lại. Chừng đó Lý Quốc Nguyên mới rõ. Kế nghe Tế Điên nói: - Ngươi cho chú ấy mượn vài gian phòng để ở đọc sách, có điều gì lôi thôi, Hòa thượng ta bảo lãnh cho. Lý Quốc Nguyên thấy Từ Chí Bình là người rất văn nhã, nói: - Có sư phụ dự vào thì được. Liền vội mời vào bàn cùng uống rượu. Trống điểm canh ba, bỗng nghe bên ngoài có tiếng hô to: - Ngô thần đã về, kính bạch Tế Công trưởng lão, Ngô thần đã trộm được Ngũ lôi bát quái thiên sư phù về đây. Tế Điên lật đật bước ra, thấy trên nóc nhà Triệu Bân và Y Sĩ Hùng. Nguyên khi Triệu Bân đem chủ tớ Từ Chí Bình giao cho Tế Điên xong liền trở vào hoa viên gặp Y Sĩ Hùng, hai người cùng thẳng đến Các Thiên lâu. Tòa Các Thiên lâu này có 25 căn, mặt đất lại rộng lớn, lấy giấy đốt lửa lên xem thì ở giữa có treo một cái khám thờ. Y Sĩ Hùng trèo lên xem thấy ở trên có một chiếc hộp cứng, mở ra xem, chính là Ngũ lôi bát quái thiên sư phù. Triệu Bân nói: - Đúng rồi! Sư huynh, chúng ta cùng đi về. Y Sĩ Hùng nói: - Chúng ta đi về bây giờ, bậy bạ dữ đa! Triệu Bân hỏi: - Có gì mà bậy bạ? Y Sĩ Hùng nói: - Hiền đệ nghĩ xem, ông ấy hiện giờ là Tể tướng đương triều mà mất đi vật báu truyền gia há lại để yên hay sao? Lúc đó các quan phủ địa phương triệt để truy tầm, chưa khỏi kéo theo bao nhiêu chuyện thị phi! Chi bằng bây giờ chúng ta dùng cách trảm thảo trừ căn là yên việc. Nói rồi móc vật dẫn hỏa kề bên cửa sổ của Các Thiên lâu mồi lên. Hai người chạy ra khỏi lầu nhìn lại thấy ngọn lửa bốc cao, như bầy rắn vàng lồng lộn, khói lửa ngất trời chưa từng thấy bao giờ. Có bài tán rằng: Một đám lửa phàm dấy động Kéo theo ly bộ vô tình Theo gió hiển oai cuồn cuộn Trên không lửa dữ bốc cao Chỉ nghe ào ào vang động Tầng mây khói cuốn mịt mù Đỏ hồng khắp trời đầy đất Lầu son gác tía còn đâu. Lúc đó hai người đã sớm vượt ra ngoài đường, trổ thuật phi thiềm tẩu bích thẳng đến nhà họ Lý và hô: - Ngô thần đã về. Tế Điên đi ra tiếp lấy linh phù rồi cầm một cái túi nhỏ bên trong để sẵn 500 tiền, một lư hương gạo, năm chén bột thơm, hô: - Lão Vi hãy cầm lấy! Đây là phần lễ tạ của gia chủ đó. Bên trên, Triệu Bân tiếp nhận và hô: - Ngô thần xin kiếu từ. Rồi dắt Y Sĩ Hùng về nhà thăm mẹ. Tế Điên sau khi tiếp nhận Ngũ lôi bát quái thiên sư phù đem vào, mở ra đúng là vật cũ. Lý Quốc Nguyên vội sai người nhà tin cậy đem sang cho Lý Xuân Sơn. Tiệc rượu kéo dài suốt đêm. Sáng ra Tế Điên cáo từ. Lý Quốc Nguyên muốn đưa tặng vàng bạc, Tế Điên nói: - Ngươi nếu muốn tạ Ơn ta hãy ghé tai ta nói như vầy… như vầy. Như thế Hòa thượng ta mới nhận lãnh. Ngươi nên chiếu cố giúp Từ Chí Bình học tập. Lý Quốc Nguyên vâng dạ, Tế Điên từ biệt đi về phía trước, thấy có một tên gia đinh chờ sẵn ở đó và hỏi: - Tế Công, Ngài đi đâu đó? Tế Điên hỏi: - Ai mời ta vậy? Gia đinh đáp: - Chủ khách điếm nhà tôi bị phạt 40 hèo, da thịt rách nát, thương thế trầm trọng, nghe nói lão tiên gia có tiên đơn diệu dược, xin Ngài chữa trị giúp cho. Tế Điên hỏi: - Chủ điếm của ngươi là ai? Gia đinh đáp: - Là Hàn Điện Nguyên, chủ Tam Thuận điếm và là tổng quản hoa viên của Tần tướng phủ. Nhân vì tối hôm qua Các Thiên lâu bị lửa cháy, Tần tướng nổi giận nói rằng Hàn Điện Nguyên không chịu kiểm điểm mới ra cớ sự, phạt lấy 40 hèo, hiện thời đau nhức khó tả. Tế Điên nghe nói bèn cùng đi đến Tam Thuận điếm, vào phòng chưởng quỹ thấy Hàn Điện Nguyên nằm dài, rên rỉ không ngớt, mấy đứa hầu bàn đang ở một bên khuyên giải. Thấy Tế Đìên vào, mọi người nói: - A, được rồi, sư phụ đây có tiên đơn diệu dược xin người từ bi cứu giúp cho. Tế Điên cười hà hà, lấy tay chỉ và nói: "Diệu dược khó trị bệnh oan nghiệt, Trời xanh khó ứng kẻ lang tâm". Hàn Điện Nguyên nghe nói giật mình, trong bụng nghĩ: "Ông Hòa thượng này không phải người thường. Hồi hôm mình sai Y Sĩ Hùng đi giết tớ thầy vị hôn phu của con gái mình là Từ Chí Bình, chưa thấy trở về mà tớ thầy nó đã trốn mất, vô cớ Các Thiên lâu lại phát hỏa nữa". Nghĩ rồi liền nói: - Bạch Thánh tăng, xin người cứu tôi với, tôi mê lú đi mất rồi! Tế Điên hỏi: - Ta trị bệnh cho ngươi rồi, ngươi có đem con gái gả cho Từ Chí Bình hay không? Hàn Điện Nguyên nói: - Khi lành mạnh rồi, tôi xin rước Từ Chí Bình về gả con gái cho nó, tôi không ăn năn gì hết. Hiện giờ Tần tướng đã đuổi tôi rồi, tôi quyết không đem lòng đây kia nữa. Nếu tôi có bụng đổi dời xin cho trời tru đất diệt. Tế Điên lấy một viên thuốc ra cho uống, vết thương liền hết đau nhức. Tế Điên bảo Hàn Điện Nguyên đến nhà Lý Quốc Nguyên rước Từ Chí Bình. Hàn Điện Nguyên gật đầu. Ra khỏi Tam Thuận điếm thấy phía trước người ta bu lại hai ba lớp đen nghẹt, xo đẩy không nhúc nhích, oán khí ngất trời, Tế Điên án quẻ linh quang, nói: - Chao ôi, A Di Đà Phật! Hòa thượng ta đâu có thể nào không hỏi đến! Thật là: Việc này chưa xong, tiếp theo một việc khác! Vội chen mọi người vào xem.
Tế Điên Hòa Thượng Tác giả: Truyện dân gian TQ Chương 12 Dịch: Đồ Khùng Nguồn: Nxb Âm nhạc Mời đọc Tế Công khéo độ Hàn Điện Nguyên Hàn sĩ bỏ con gặp Phật sống Có thơ rằng: Ngọc đường hoa chúc với sanh ca Trướng gấm đầu làng phú quý gia Nào giống nhà tu tranh lá cũ Một trời tuyết lạnh sáng mai hoạ Tế Điên vẹt mọi người ra, vào xem thấy bên trong là một thầy đồ kiếc, đầu đội khăn nho sinh cũ, cháy lủng lỗ chỗ, mình mặc tấm áo nho sinh chắp vá bảy tám nơi, đang ôm một đứa trẻ trong lòng. Người này trạc hơn ba mươi tuổi, gương mặt khô gầy, đứng giữa dòng người nói: - Thưa quý vị, đứa bé tôi đang ôm trong lòng đây được một năm hai tháng, mẹ nó mới mất cách đây ba ngày. Tôi lại không đủ sức mướn vú nuôi. Người nói lời này là Mã Bái Nhiên, nguyên quán là người huyện Thuần Thục, phủ Thường Châu, từ nhỏ ở nhà đọc sách, ăn không ngồi rồi, chẳng biết kinh doanh thêm, núi vàng ăn mãi cũng hết. Tới chừng trên không còn mảnh ngói, dưới không tấc đất cấm dùi, lại thêm đứa con mọn, phải bồng bế vợ con đi lánh nạn. Bái Nhiên đến Lâm An ở nhà Ngô Bá Chu chuyên cho thuê thuyền ở Tây Hồ. Ông ta có dưới tay hơn trăm chiếc thuyền, khách du Tây Hồ phần lớn đều đến đó thuệ Bá Chu vốn là bạn cố giao với Bái Nhiên, biết Bái Nhiên là người có học bèn lưu lại làm việc quản lý thuê thuyền, mỗi ngày chia được hai, ba trăm đồng tiền cũng đủ vợ chồng qua bữa. Nào hay số phận không thông, Tây Hồ mọc lên bốn nhà ác bá luôn luôn cướp người ở Tây Hồ, náo loạn đến nổi Tây Hồ không có du khách nữa. Thuyền cũng không người thuê, Mã Bái Nhiên không còn cách nào hơn là bãi công nghỉ việc. Đứng đầu bọn ác bá ở Tây Hồ chính là Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, em của Thừa tướng Tần Hỷ. Bấy giờ là thời Cao Tôn hoàng đế. Ông ta vốn họ Vương, vì kế nghiệp họ Tần nên phải đổi họ là Tần. Vương Thắng Tiên là anh em chú bác với Tần tướng, ỷ thế lực của anh thường dắt thủ hạ dạo chơi trên hồ, hễ thấy phụ nữ xinh đẹp liền kêu thủ hạ cướp đi, không ai dám chống cự lại hắn, nhân đó mà không ai dám chơi hồ nữa, thuyền của Ngô Bá Chu không ai thuê, Mã Bái Nhiên thất nghiệp, Châu thị là người vợ hiền đức, nói: - Vợ chồng chúng ta chả lẽ chịu chết đói sao? Chàng hãy ở nhà xem chừng đứa nhỏ để tôi đi ra tìm việc vá may, chúng ta còn có thể lây lất qua ngày. Nghe vợ nói mấy câu đó, Mã Bái Nhiên lặng thinh không nói một lời. Châu thị bèn để đứa nhỏ ở nhà rồi ra đi. Mã Bái Nhiên ngồi lại trong nhà, tự nghĩ: "Thân trai đại trượng phu, không thể nuôi nấng được vợ con, lại để vợ con đi làm kiếm tiền mua gạo, sao cho phải lẽ!". Càng nghĩ càng buồn, hiện tại không lối thoát, bồng đứa bé tính nhảy xuống Tây Hồ tìm cái chết. Rồi lại nghĩ: "Đứa nhỏ lọt lòng mẹ đến nay đã được một năm, bây giờ lại phải chết thật là oan uổng biết bao. Chi bằng đem cho người ta rồi đi tìm cái chết sau". Nghĩ rồi, ôm con đứng ở ngã tư đường, nói: - Thưa chư vị, vị nào thích đứa nhỏ này, xin bồng nuôi giùm cháu! Kêu mấy lượt như vậy, có một ông già đứng gần, thấy đứa bé khá xinh bèn nghĩ: "Mình không có con, nên nuôi nấng nó". Vừa mới bồng đứa nhỏ thì có người nói: - Ấy, ấy! Ông chớ nên rước nó. Nếu ông rước nó thì nó sẽ theo ông về nhà, vài hôm sau mẹ nó sẽ đến mượn tiền ông. Cách ít ngày đến lượt cha nó đến, ông có chịu nổi không? Ông già kia nghe nói không có ý dám xin nữa. Tế Điên nói: - Ngươi cho ta đứa bé này nhé. Mã Bái Nhiên nói: - Này Hòa thượng, ông là người xuất gia, xin đứa bé này làm gì? Tế Điên nói: Ta thu nó làm đồ đệ. Mã Bái Nhiên nói: - Nó chưa dứt sữa, lại chưa biết ăn cơm, Hòa thượng nuôi nó sao được? Tế Điên nói: - Không được thì thôi ta không xin. Ngươi phải nói thiệt, mẹ đứa bé này chưa chết phải không? Chùa ta ở sát vách nhà ngươi ở trọ. Có phải ngươi ở trọ nhà của Ngô Bá Chu không nào? Mã Bái Nhiên nói: - Mẹ nó dù không chết thật, nhưng tôi không tìm được sinh kế nên muốn đem đứa bé gạt cho người. Tế Điên nói: - Ta biết rồi, ngươi đi theo ta nhé! Ta sẽ tìm ra vợ ngươi, để chồng vợ con cái thấy mặt rồi ta sẽ kiếm cho ngươi một việc làm. Mã Bái Nhiên nghe nói thế, hỏi Hòa thượng ở chùa nào và tên hiệu thượng gì hạ gì? Tế Điên mỗi mỗi nói rõ rồi dắt Mã Bái Nhiên đi tới, vừa đi vừa hát: Ai tài, ai chẳng tài? Tài giỏi, ngũ hành thông Ngũ hành nếu sai chạy Tài giỏi cũng thành không Ai nấy không tin, nghe ta kỹ Hãy xem bọn phú ông Lừa ngựa cỡi long nhong Lại xem người nghèo khổ, Cơm chẳng no lòng, áo quần lỗ chỗ Ấy do đời trước định duyên số. Tế Điên dẫn Mã Bái Nhiên tới trước tiệm tương, nói: - Nè tài phú, bán cho ta ba xu củ cải lớn đi. Bên trong có tiếng trả lời rồi mang củ cải ra. Tế Điên nói: - Chà ít quá ta đưa hai xu nhé. Tài phú đi ra nói: - Hòa thượng ơi, tiệm của chúng tôi ở đây bán giá nhất định, trả giá thì không bán đâu. Tế Điên nói: - Nào ta có trả giá đâu, trong túi ta chỉ còn có hai xu thôi, ta xin ông một xu nhé. Tài phú nói: - Thôi được, tôi bán cho ông là người tu hành đó. Tế Điên thò tay vào túi mò một lát, nói: - Chao ôi, túi của ta lủng rồi, đồng xu rớt đi ngả nào mất. Thôi ta đưa trước cho ông một xu, còn một xu ngày mai ta trả cho ông nhé. Nói rồi lại đi nữa, trước hàng bán rau cải, Tế Điên lại gần người bán: - Tài phú nè, bán cho ta một xu tỏi đi. Tài phú nói: - Một xu một củ nhé, và lấy củ tỏi đưa ra. Tế Điên trả một xu, cầm củ tỏi coi coi rồi nói: - Tài phú ơi, một xu một củ tỏi, sao ông lại bán cho tôi củ tỏi thúi, cho đổi lại củ khác đi! Tài phú lại rút một củ khác đưa ra. Tế Điên nhận lấy và cũng không giao lại củ kia, thành ra một xu mua được hai củ tỏi. Thật ra Tế Điên chỉ đem có hai xu thôi, lại muốn mua bốn món để làm lễ vật chúc thọ cho người. Mã Bái Nhiên thấy Hòa thượng nghèo quá! Đi với Tế Điên một thôi độ nửa dặm đường, thấy bên đường có gánh thịt chó. Tế Điên cà rà tới nói: - Chà, thịt này béo thiệt, thiệt thơm, thiệt mềm năm hoa ba lớp, ăn được thịt này béo bổ ra phết! Tán dồi một hồi rồi nói: - Bác lái nè, bác cắt cho ta một miếng thịt chó nhé! Người bán thịt chưa mở hàng, nghe Hòa thượng kiếc khen dồi huyên thuyên rồi xin một miếng thịt, cũng cao hứng cầm dao cắt một miếng chừng hai lượng. Tế Điên đón lấy, dòm dòm nói: - Bác cho thêm một miếng nữa đi. Người bán thịt chó hỏi: - Bao nhiêu đó bộ chưa đủ sao? Tế Điên nói: Không phải ta chưa đu? Nếu ngươi thấy đủ chẳng cần thêm Cả khối này nhân tình nào đáng Đã cho rồi xin hãy trót cho luôn. Người bán thịt chó lại cắt thêm một miếng nữa. Tế Điên một xu cũng không trả, được không hai miếng thịt chó! Lại đi một quảng nữa, nghe có tiếng rao bán bánh bao, Tế Điên kêu: - Bánh bao! Đem lại ta mua! Người bán bánh bao đem tới. Tế Điên hỏi: - Bánh có nóng không? Người bán đáp: - Bánh mới ra lò mà! Nói rồi để gánh xuống mở nắp vung ra, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Tế Điên thò tay vào bánh bao, năm đầu ngón tay đen xì, cầm lấy đưa lên miệng cắn, lại lật đật bỏ ra nói: - Ý chết! Ta quên mang tiền theo, thôi không dám ăn đâu! Người bán bánh bao có ý giận. Cái bánh ấy chắc bán không được rồi, vừa có dấu răng, vừa có dấu tay đen rành rành, vừa dính nước miếng, lại nghĩ thầm: "Dầu có giận dữ trách móc, chuyện cũng đã rồi. Vả lại, ông ấy lại là người tu hành nữa". Ngẫm nghĩ giây lát, nói: - Thôi được rồi, cái bánh bao đó tôi coi như bỏ, cũng không giận ông làm gì. Tế Điên nói: - Bộ ngươi tính bỏ hả? Thôi đừng bỏ, để cho Hòa thượng ta đi. Ngài mai gặp ngươi, ta sẽ đem tiền trả cho ngươi nhé! Người bán bánh bao nói: - Thôi, ông cầm cái bánh đi đi. Tế Điên cầm cái bánh bao dắt Mã Bái Nhiên đến đường Phụng Sơn, thấy cổng lớn phía bên kia đường treo đèn kết hoa, ngựa xe chật ních. Nhà đó đứng vào hạng giàu nhất ở Lâm An. Chủ nhà họ Trịnh tên Hùng. Hôm nay nhằm lễ thượng thọ của lão thái thái, các thân sĩ phú hào ở Lâm An đều đến chúc mừng. Tế Điên đến trước cổng kề tai dặn Mã Bái Nhiên nên làm như vầy, như vầy và đứng đợi giây lát, tự sẽ có cơ duyên đưa đến. Tế Điên bước lên thềm kêu: - Ối chà, xin chào chư vị! Bên trong có một gia nhân đi ra, mới nói: - Này Hòa thượng! Ông tới sớm quá, khách còn chưa vào tiệc. Ông muốn xin cơm canh thừa thì lát nữa hãy trở lại. Tế Điên nói: - Đừng nói bậy! Ta biết hôm nay là sinh nhật của lão thái thái nên mua bốn lễ vật đến chúc mừng đây. Gia nhân nghe nói, nghĩ thầm: "Xưa nay đại quan nhà ta rất ưa bố thí, xem vàng như đất, trượng nghĩa sơ tài, gặp người nghèo khổ tất giúp đỡ ngay, cũng có thể quan nhân của ta đối đãi với ông ấy có phần đặc biệt, ông ấy biết hôm nay là ngày mừng thượng thọ, muốn mừng lễ đáp ơn đây chăng? Ta chớ nên xem thường ông ấy, người nghèo cũng có tấm lòng. Hoặc có thể ông ấy biết lão thái thái thích ăn món chi, rồi mua một ít món ấy đến cũng nên. Hoặc có thể ông ấy mang lại đào bún, rượu, điểm tâm chăng?". Nghĩ thế liền hỏi: - Hòa thượng ơi, ông ở chùa nào? Tế Điên nói: Ta tu ở miếu nhỏ Linh Ẩn tự. Quản gia hỏi: Lễ vật của ông là do chính ông mang tới hay có người mang tới sau? Tế Điên đáp: Ta có mang theo đây. Gia nhân nói: Ông đưa lễ vật ra đi, tôi đem thưa lại với gia chủ. Tế Điên từ trong tay áo lấy ra một cái bánh bao, hai củ tỏi lớn, hai củ cải muối và hai miếng thịt chó, đưa cho quản gia. Tế Điên nói: - Cái này cho lão thái thái ăn thịt chó với củ tỏi, ăn bánh bao với cải mặn. Gia nhân nhìn thấy giận quá, đem quăng xuống đất, nói: - Ông cút đi cho rảnh, đừng đến đây quấy rầy chúng tôi. Vừa liệng lễ vật xuống đất, hai con chó ở đâu chạy lại muốn đớp. Tế Điên lật đật đuổi chó đi, nói: - Hai đứa cổ bông này, tụi bây đớp mất ta lấy gì biếu lão thái thái? Tế Điên lượm lên, nói: - Ngươi không chịu thưa bẩm, ta cũng có thể đưa vào vậy. Lớn tiếng hô: - Lễ vật đưa tới đây. Rồi cầm lễ vật phăng phăng đi vào. Mọi người thấy vậy nói: - Ông Hòa thượng ấy điên rồi, thây kệ Ổng. Nguyên Trịnh Hùng là một vị thân sĩ ở Lâm An, lại đỗ Võ tiến sĩ, rất thích giao hữu, chú của ông ta làm chức tổng binh ở tỉnh ngoài. Hôm nay nhằm lễ thượng thọ của lão thái thái, ở thành Lâm An trên từ công hầu, dưới đến thứ dân đều đến chúc mừng. Trong số tân khách có Mỹ nhiệm công Trần Hiếu, Bệnh phục thần Dương Mãnh, Triệu Văn Hội, Tô Bắc Sơn, Khương Bá Vạn, Châu Bán Thành có mặt ở khách sảnh. Mẹ của Trịnh Hùng, năm nay vừa đúng 70 tuổi nhưng hai mắt đã không thấy đường trên một năm rồi, thỉnh rất nhiều thầy thuốc chữa trị vẫn không hiệu quả. Bữa nay Trịnh Hùng đang ở trên khách sảnh, gia nhân đưa vào một mâm lễ vật, nói: - Của Quảng Huệ sư phụ Ở Tam Thanh miếu đưa đến chúc thọ. Trịnh Hùng nghe nói ngạc nhiên, nghĩ thầm: "Xưa nay mình đâu có giao thiệp với ổng kìa!". Tiếp nhận lễ đơn mở ra xem thấy đề: Một đôi đèn trắng, thọ đào một chục, thọ tửu một bầu, thọ miến một hộp, thọ trướng một cây, miên dương bốn cái. Trịnh Hùng lật đật ra rước vào. Mọi người nhìn ra, đó là một tăng nhân tuổi hơn 50, áo quần chải chuốt. Quảng Huệ đưa lễ vật đến chúc mừng là có dụng ý tham, vì biết trong hoa viên của Trịnh Hùng có yêu tác quái, ông ta có thể bắt yêu trấn trạch bèn toan đưa lễ vật mừng thọ làm bước đầu, rồi sẽ bắt yêu lấy bạc lại sau. Khi vào trong khách sảnh, mọi người nhường nhau, đưa Quảng Huệ mãi đến chỗ bàn Dương Mãnh và Trần Hiếu ngồi. Dương Mãnh là người ưa bắt chuyện, mời: - Đại sư phụ, hãy lại đây. - Vâng. - Sư phụ làm ơn cho tôi hỏi thăm một lão Hòa thượng. - Ai vậy? - Tế Công trưởng lão ở Tây Hồ Linh Ẩn tự. - Tế Điên Hòa thượng hả? Ông ấy điên điên khùng khùng mà kể số gì! Ta với sư phụ Ông ấy qua lại rất thân, luận về vai vế thì ông ấy là hàng sư điệt của tạ Ông ấy thường theo ta xin học hoài mà ta không rảnh để dạy đó chứ. Dương Mãnh nghe nói nổi giận, nghĩ thầm: "Ông này nói nghe mà phát giận. Ông ta nói sư phụ mình là sư điệt của ổng, vậy ra mình thuộc hàng cháu của ổng rồi. Ta phải đi kiếm sư phụ hỏi lại. Nếu phải như vậy thì thôi, còn như không phải thì ta đánh bể cái đầu trọc ông ấy cho rảnh". Nghĩ rồi định bước ra ngoài, kế nghe bên ngoài có tiếng hô: - Lễ vật đến đây. Dương Mãnh nghe thấy tiếng của Tế Điên bèn nói: - Có sư phụ ta đến rồi! Được, để ta hỏi thử xem.
Tế Điên Hòa Thượng Tác giả: Truyện dân gian TQ Chương 13 Dịch: Đồ Khùng Nguồn: Nxb Âm nhạc Mời đọc Quảng Huệ tăng cuồng ngôn mắc họa Tế Thiền sư diệu pháp kinh người Có thơ rằng: Mây chó vành trăng sắc bạc màu Cũng không vinh nhục, cũng không sầu Gặp nhau tâm sự quên năm tháng Núi vẫn xanh rì nước chảy mau. Dương Mãnh chạy ra ngoài. Trần Hiếu cũng đi theo. Hai người đi ra xem quả là Tế Điên, nói: - Bạch sư phụ, lão nhân gia làm gì mà kêu to dữ vậy? Tế Điên nói: - Ta tới đây chúc thọ lão thái thái mà bọn nó chê ta rách rưới, chẳng chịu vào thưa bẩm. Trần Hiếu, Dương Mãnh nói: - Bọn nó chỉ nghĩ đến lợi thôi. Trịnh Hùng cũng từ bên trong đi ra tới, thấy một vị Hòa thượng kiếc, nói: - Hai vị hiền đệ không ở trên phòng khách uống trà, ra đây làm gì? Dương Mãnh, Trần Hiếu nói: - Chúng tôi hôm nay xin giới thiệu với huynh trưởng người mà chúng tôi thường đề cập đến. Đây là Tế Công thiền sư ở chùa Linh Ẩn đó. Trịnh Hùng nói: - Thì ra là Thánh tăng đây, đã lâu ngưỡng mộ đại danh, hôm nay may mắn được gặp, thật là phúc đức ba đời. Tế Điên nói: - Hôm nay là lễ mừng đại thọ của lão thái thái, tôi đưa chút lễ vật đến thân tự chúc mừng người. Trịnh Hùng thấy Hòa thượng áo quần lam lũ giống như kẻ ăn xin, làm sao có thể đưa vào khách sảnh được, đưa mắt ngó Dương Mãnh và Trần Hiếu, lại không tiện từ chối, trong lòng còn do dự chưa định. Kế nghe Tế Điên nói: - Ta đến đưa chút lễ vật chúc thọ thôi chớ không vào ngồi ở phòng khách đâu. Qúy phủ cao bằng quý hữu rất nhiều mà ta lại không có áo quần lành lặn. Trịnh Hùng nghe nói thầm mừng, nhưng ngoài miệng nói vài lời giả lả: - Hòa thượng đến đây thì có hề chi, xin mời vào. Dương Mãnh cũng muốn Tế Điên đi vào để xem lời của Quảng Huệ nói có đúng không. Tế Điên nói: - Trịnh đại nhân đã có lời mời, ta làm sao không đi chúc thọ lão thái thái? Trịnh Hùng cũng không tiện cản ngăn, bèn cùng Tế Điên đi vào phòng khách. Tế Điên kêu người hầu đem bàn bát tiên ra để ngay chính giữa, trên trải thảm đỏ. Tế Điên móc thịt chó và các vật ra, rồi ngồi một bên. Trịnh Hùng mắt thấy giận tím mặt lại, ngặt có Trần Hiếu, Dương Mãnh không tiện phát tác, còn phải đến cám ơn Tế Điên rồi kêu gia nhân đem quẳng đi. Người trong phòng tiệc, Tế Điên quen biết phân nữa. Hầu bàn dọn cơm rượu lên, Tế Điên đứng dậy tới các bàn mời rượu, mời đến bàn Quảnq Huệ, Quảng Huệ ngạo nghễ ngồi cao, không thèm nói một lời. Mời xong, Tế Điên trở về bàn uống rượu. Kế nghe Quảng Huệ nói: - Thưa Trịnh đại quan nhân, hôm nay tôi tới đây, một là chúc thọ, hai là muốn ở trước mặt lão thái thái hiếu kính một trò mọn, biến một vật, trên trời biết bay, trong nước biết lội, trong cỏ lại nhảy. Xin người hãy ra sau thưa bẩm, tôi ở ngoài sẽ biến ra cho lão thái thái ở trong đó xem. Trịnh Hùng nghe rồi nói: Được. Rồi đi vào phía sau, thấy các bà vợ thân hữu đang vây quanh tiếp chuyện với lão thái thái. Trịnh Hùng nói: - Thưa mẹ, hiện có Quảng Huệ tăng ở Tam Quan miếu muốn biến một pháp thuật cho mẹ xem đó. Lão thái thái vừa nghe, giận đến xanh cả mặt, nói: - Mày với Hòa thượng kia dám cười ta hả? Mau biểu thằng trọc đó đi cho rảnh. Mắt ta đã mù hai năm rồi, mày còn bảo xem coi pháp thuật gì nữa? Trịnh Hùng nghe nói mới chợt hối hận, vội thưa: - Xin mẹ bớt giận, con nhất thời quên lú mất! Các vị nữ thân ở một bên đều nói: - Nhưng nhưng ơi, xin bảo ông ấy biến cho tụi con xem. Lão thái thái lúc đó mới bảo: - Này Trịnh Hùng, con ra bảo ông ấy làm phép đi. Trịnh Hùng trở ra phòng khách, nói: - Xin đại sư phụ thi triển pháp thuật đi. Hòa thượng bảo đem một cây kéo, một tờ giấy rồi cắt khá nhiều bươm bướm. Ông ta cũng có chút tài năng trong miệng râm râm đọc chú, thổi một hơi tiên khí vào, tức thì thấy một đôi bươm bướm bay thẳng vào nhà trong. Ai nấy đều hoan hô vang dậy. Dương Mãnh và Trần Hiếu đồng nói với Tế Điên: - Bạch sư phụ, người cũng nên tỏ cho mọi người biết chút thủ đoạn đi. Tế Điên bèn đứng dậy nói lớn: - Ta cũng muốn biến nữa. Nói xong, niệm "Án ma ni bát mê hồng, án sắc lịnh hích", tức thì hơn ba mươi con cào cào bay nhảy lung tung khắp sảnh đường. Ai nấy ngạc nhiên, cúi đầu nhìn lại, chiếc đũa trên bàn đâu mất, cả sảnh đường cười rộ. Tế Điên lấy tay chỉ một cái, bầy cào cào biến mất, mọi người vẫn có đủ hai chiếc đũa. Mọi người đều xưng tụng lạ kỳ. Quảng Huệ thấy mọi người đều khen ngợi Tế Điên, mặt tối sầm lạI không vui, nói: - Thưa Trịnh đại nhân, tôi xin hiếu kính lão thái thái một chén canh. Nói rồi đứng dậy lấy một cái túi vải để úp trên bàn, trong miệng đọc chú lâm râm, khi giở túi ra thấy có sẵn một tô canh ngon, giống hệt như vừa mới nấu còn sôi ục ục. Tế Điên lấy tay chỉ một cái, tô canh đó đang bưng úp đổ trên đầu Quảng Huệ. Cả người và đầu cổ của Quảng Huệ bị nóng đỏ hồng. Mọi người vỗ tay cười lớn. Quảng Huệ xấu hổ lấy tay lau lia lịa rồi nói: - Thưa quý vị, hôm nay tôi muốn ở trước quý vị thi triển pháp thuật một phen, không ngờ bị kẻ tiểu nhân phá rối. Bây giờ tôi xin dốc hết tài nghệ thi triển pháp thuật, biến ra quả đào tiên, kính mời lão thái thái. Mọi người đều nghĩ rằng, bây giờ đương tiết tháng tư, đào cũ đã hết lâu rồi, đào mới hãy còn non choẹt. Đương lúc trái mùa này, có được mới tân kỳ! Quảng Huệ vừa niệm chú, Tế Điên đi tới nói: - Ông biến rồi đừng giở ra nhé, để ta đoán thử xem! Quảng Huệ nói: Cứ việc đoán thử. Trong miệng lại đọc: Thọ đào một giỏ hiến đường tiền Dâng hiến đường tiền bất lão tiên Hôm nay biến được phù dung qua? Tuổi thọ như đào bách vạn niên. Đọc xong, liền thấy trong bao nổi gồ lên. Tế Điên nói: Ông đọc sai rồi. Quảng Huệ nói: Ta đọc sai thì ông đọc đi! Tế Điên đọc: Quả đen một giỏ hiến đường tiền Dâng hiến đường tiền bất lão tiên Hôm nay biến được cà bốn qua? Thịt dê xào dấm tỏi thơm liền. Quảng Huệ mở ra xem, thì là bốn trái cà dài. Cả phòng cười rộ. Quảng Huệ giận đến đỏ mặt tía tai! Trịnh Hùng sợ Quảng Huệ bẽ mặt, vội kêu gia nhân bưng vào. Gia nhân tên Triệu Phước bưng đến đầu đại sảnh nhìn lại đúng là bốn trái đào lớn, nói: - Cái gì kỳ vậy, thiệt là đáng giận! Ta phải trở ra kêu mọi người xem lại. Nói rồi quay trở ra khách sảnh, mọi người coi lại đúng là bốn trái cà. Trịnh Hùng nạt: - Triệu Phước, bộ mi điên hả, còn đem trở ra làm chi vậy? Triệu Phước tức giận quay quả đi vào, giở ra xem thì là đào thiệt. Bèn nghĩ: "Thôi, để ta ăn quách cho rảnh". vừa muốn ăn, Tế Điên đuổi theo sau lưng, nói: - Triệu Phước ngươi làm gì đó? Triệu Phước nói: - Người ta biến ra trái đào, còn ông dùng phép gì mà mắt thiên hạ vậy? Tôi muốn ăn trái đào đó. Tế Điên lấy tay chỉ một cái, nói: - Ngươi cứ ăn thử. Triệu Phước cầm lên cắn một miếng, răng như muốn bể, coi lại là đào bằng gỗ. Tế Điên nói: - Ngươi đem vào cho lão thái thái ăn đi. Triệu Phước cầm đem vào, lão thái thái ăn vào, nước đào ứa ra miệng trông rất ngon lành. Triệu Phước bèn nghĩ thầm: "Kỳ lạ quá!". Rồi quay quả đi ra. Ngoài kia, Quảng Huệ ngồi lặng thinh không nói lời nào.
Tế Điên Hòa Thượng Tác giả: Truyện dân gian TQ Chương 14 Dịch: Đồ Khùng Nguồn: Nxb Âm nhạc Mời đọc Tế Điên hóa phép đùa Quảng Huệ Trịnh Hùng vì mẹ cầu Thánh tăng Có thơ rằng: Lưu thủy cao sơn một khúc cầm Bá kỳ thiên cổ vẫn tri âm Chân tình đàn đến thông trời đất Mới thấy u huyền thái có tâm. Tế Điên nói: - Thưa Trịnh đại quan nhân, hôm nay tôi biến một pháp thuật, xin mời lão thái thái ra nhìn tận mắt mới hay. Trịnh Hùng nói: - Không được đâu, mẹ tôi không thấy đường đã hai năm rồi, làm sao có thể thấy được? Tế Điên nói: - Cũng vì lão thái thái hai mắt không thấy đường, tôi mới mời ra xem, nếu là người thấy đường thì đâu cần phải mời. Trịnh Hùng biết Hòa thượng là người không phải tầm thường, đi ra nhà sau mời lão thái thái ra, hai đứa a hoàn dìu đỡ đi ra bên ngoài. Các thân hữu đều đứng dậy, nói: - Xin chúc mừng lão thái thái, kính mong lão nhân gia đa phúc đa thọ. Lão thái thái ngồi xuống. Trịnh Hùng nói: - Thưa mẹ, hiện có Tế Công trưởng lão ở chùa Linh Ẩn muốn biến một pháp thuật, có thể mời mẹ xem cho rõ ràng. Lão thái thái gật đầu. Tế Điên đến trước lão thái thái, nói: Tiệc thọ mở lời: Đào thọ sắc hồng tươi Rượu thọ sánh chén ngời Ngũ phúc thọ đầu tiên Thọ miên miên - phúc trường viễn Cầu mong: Tuổi thọ thanh tòng Chẳng sợ gió sương lay Khác nào phúc như Đông hải Thọ tỷ Nam san. Đọc xong mấy câu, Tế Điên lấy tay vẽ trên tròng mắt của lão thái thái một vòng, thầm niệm lục tự chơn ngôn "Án ma ni bát mê hồng". Lão thái thái quả nhiên mắt thấy được. Lão thái thái kêu: - Trịnh Hùng à, mắt trái của mẹ đã thấy được rồi. Trịnh Hùng hãy còn chưa tin, vẫy tay gọi một con a hoàn đến, hỏi: - Má ơi, má có thấy ai đây không? Lão thái thái nói: - Đây là con Xuân Mai chớ ai. - Phải rồi. Xin chúc mừng lão thái thái. Thiệt thấy được rồi! Trịnh Hùng nghe nói mừng quá, vội đi lại gần, hỏi: - Thưa mẹ, mẹ có thấy con ra thế nào không? Lão thái thái nói: - Ngày tháng thoi đưa, mi cũng già đi nữa. Trịnh Hùng vội đến trước Tế Điên thi lễ, nói: - Bạch Thánh tăng, xin lão nhân gia từ bi cứu trị cho! Mắt bên trái đã thấy được rồi, còn mặt bên phải xin người trị luôn một thể. Lão thái thái nói: - Bây giờ, mắt bên trái của ta đã thấy được rồi. Tế Điên nói: - Ta không thể trị mắt bên phải được. Hiện giờ ở ngoài cổng nhà này có một người đang ẵm đứa nhỏ tên là Mã Bái Nhiên. Người ấy có thể trị bệnh này được. Trịnh Hùng vội sai người ra cổng mời Mã Bái Nhiên vào. Trịnh Hùng đến thi lễ nói: - Thưa tiên sinh, xin tiên sinh trị giùm mắt bên phải của mẹ tôi, tôi xin đền ơn trọng hậu. Mã Bái Nhiên vừa định mở lời từ chối, Tế Điên bèn nói: - Mã Bái Nhiên ơi, ông trị giùm bà ấy đi! Nói rồi ngầm đưa cho Mã Bái Nhiên một viên thuốc. Đương lúc đó, các vú em, a hoàn đều kéo ra đứng đầy ở cửa để xem trị mắt phải của lão thái thái, trong đó có một người đàn bà bước tới ẵm giùm em bé cho bú sữa, đứa bé ré lên khóc. Mã Bái Nhiên cũng chí phúc tâm linh, cầm viên thuốc nói: - Thuốc này phải dùng vô căn thủy hòa tan. Đây là tiên đơn diệu dược của nhà Phật ban truyền, bảo lão thái thái lấy nước này rửa mặt, mắt sẽ sáng lại như xưa. Bảo gia nhân đem thuốc hòa tan với nước. Quả nhiên, lão thái thái rửa vào mắt phải, mắt sáng lại như thường. Trịnh Hùng thấy người vú em mới đến bồng con Mã Bái Nhiên cho bú, chẳng biết nguyên cớ ra sao, liền đem hỏi Mã Bái Nhiên. Mã Bái Nhiên mới đem tình cảnh vợ chồng nghèo khổ, vợ phải đi kiếm việc, còn chính mình muốn đem con cho rồi nhảy xuống sông tự vận, may gặp được Tế Công, mỗi mỗi kể ra một mạch. Trịnh Hùng nghe thuật mới vỡ lẽ ra, nói: - Được rồi, trong nhà tôi đang thiếu một người quản lý, ngươi nên ở lại đây, ta sẽ cấp riêng cho vợ chồng ngươi một căn nhà để ở. Rồi day qua Tế Điên: - Bạch Thánh tăng, xin người từ bi nhận cho, xin cho tôi đổi y phục đang mặc của người. Tế Điên nói: - Ngươi không cần thay đổi y phục của tạ Hòa thượng ta xin hóa ở ngươi chút duyên này thôi. Ngươi hãy đem hai khoảnh ruộng lúa ngoài cửa Thanh Ba cúng cho Lưu Thái Chơn ở Tam Thanh quán để làm đất hương hỏa cho miếu này. Như vậy chính là tạ Ơn Hòa thượng ta đó. Quảng Huệ đang ngồi một bên, thấy Tế Điên thi triển kỳ công vừa hổ vừa giận, bèn đứng dậy nói: - Thưa Trịnh đại quan nhân, tôi biết phía sau nhà Ngài nơi hoa viên có một yêu quái làm lộng, tôi tình nguyện đến đó bắt yêu an trạch, không lấy một tơ hào nào hết. Tôi sở dĩ làm như thế là muốn so sánh pháp thuật với Tế Điên, xem thử ai hơn ai kém! Tế Điên nói: - Được rồi, ông đã nói thế thì ta cùng ông ra hoa viên bắt yêu an trạch, lui quỷ trị bệnh nhé! Nếu ông bắt được yêu tinh thì kể như Hòa thượng ta thua, còn như bắt yêu không được sẽ tới lượt Hòa thượng ta ra sức. Quảng Huệ nói: - Cũng được, bây giờ chúng ta đi! Tế Điên nói: - Vội chi, chúng ta hãy ăn cơm đã. Còn sớm quá, bắt yêu, yêu cũng không đến đâu! Trịnh Hùng nói: - Nơi hoa viên của tôi, không biết yêu quái hay là gia tiên ở đó? Thường thường bọn gia nhân nằm ngũ ở gác sau, bị ai đó quăng xuống lầu. Còn không như thế thì đồ vật trong nhà kêu lên loảng xoảng và bị ném xuống đất lung tung. Có khi trên lầu tự nhiên đèn thắp sáng, xem lại chẳng có người nào, cũng không biết là yêu hay quái? Tôi cũng chẳng biết sao. Tình trạng này đã nữa năm rồi! Quảng Huệ nói: - Không hề chi! Tối nay, ta không cần biết nó là yêu, là quái hay quỷ. Ta tóm lấy nó, lấy giới đao kết thúc tánh mạng là xong. Mọi người cùng nhau trò chuyện, phút chốc trời đã tối, Trịnh Hùng hỏi hai vị Hòa thượng cần dùng những thức chi. Quảng Huệ cầm viết ghi ra một toa, Trịnh Hùng bảo gia nhân chiếu theo đó sắm sẵn, để ở hoa viên. Khi tất cả đã sửa soạn xong, hai vị Hòa thượng mới ra hoa viên xem xét. Đồ vật gồm có: một bàn bát tiên, một cái ghế, một bộ lư hương chân đèn, một thẻ nhang dài, một xấp giấy tiền, một nghiên mực, một mớ bạch cập, một gói chu sa, hai cây bút mới, một tờ giấy vàng, một bó rau thơm, một mâm ngũ cốc, một chén nước mưa. Quảng Huệ xem xong, bèn trước hết đốt đèn hương, rồi mới đảo cáo với quá vãng thần kỳ, bảo hộ cho đệ tử là Quảng Huệ bắt được yêu quái, trở về chùa sẽ dâng hương, thiết trai đáp tạ. Đảo cáo xong, Quảng Huệ dùng nước mưa hòa chu sa và bạch cập nghiền nát, lấy bút mới viết ba đạo thần phù, đốt lên sẽ hóa làm linh phù, trong miệng lâm râm đọc: "Đốt đạo bùa thứ nhất, cuồng phong nổi dậy; đốt đạo bùa thứ hai, bắt yêu quái trói lại; đốt đạo bùa thứ ba, dùng giới đao kết thúc tánh mạng". Trịnh Hùng cùng một tên gia nhân gan dạ đứng bên ngoài theo dõi. Tế Điên cũng ở tại đó, tay cầm hồ rượu uống tì tì không nói chi hết. Quảng Huệ miệng lâm râm đọc, tay cầm đạo linh phù thứ nhất đốt hươ lên mà không có động tĩnh chi, cũng không có chút gió. Mọi người thấy vậy đều cười rộ lên, nói: - Quảng sư phụ nói dóc, chớ có tài cán chi. Quảng Huệ lại đốt linh phù thứ hai hươ lên, cũng không có gì lạ xảy ra. Quảng Huệ lòng gấp như lửa đốt cầm luôn linh phù thứ ba đưa ra phía ngoài, tức thì bên ngoài có một luồng quái phong cuốn theo cát bụi mịt mù, mưa lớn lột độp, chưa từng thấy. Có bài tán rằng: Vô ảnh lại vô tung Cuốn dương hoa, Tây lại Đông Hút lá thả từng không Sông ngòi thuyền nhỏ chao nghiêng ngửa Mây bay nhanh quá đỉnh cung Qua vườn rừng hoa lá lung tung Vút thông xanh, xuyên cửa sô? Đuốc bạc lắc lư, bóng chập chùng. Trận gió qua đi, bèn thấy ở ba gian lầu đối diện, một căn lầu tự mở ra, bên trong đi ra một lão già, mặt non như trẻ nít, đầu đội khăn bốn góc màu đồng xưa, mình mắc áo thụng cùng màu, vớ trắng giày xanh, tay cầm phất trần chỉ về phía Quảng Huệ, nói: - Hay cho Quảng Huệ! Ta với ngươi ngày trước không oán, gần đây không cừu, tại sao ngươi lại tới làm kinh động tả Tại làm sao thế hử? Bèn lấy phất trần chỉ một cái, một đám khói trắng xông thẳng tới Quảng Huệ. Quảng Huệ cảm thấy đầu nặng, mắt hoa, té ngửa trên đất. Tế Điên tay cầm hồ lô rượu, cười hà hà nói: - Ngươi vốn là người tu đạo, tại sao vô cớ đạp vào hồng trần, lại còn dám hiếp đáp đệ tử của ngôi Tam bảo nữa hử? Nói rồi vỗ đầu một cái, lộ ra ba đạo hào quang. Vị tiên gia kia vốn là bậc tu đạo, ở trên lầu này, có mấy ngàn năm công hạnh. Nhân vì bọn gia nhân của Trịnh Hùng ăn ở không được tinh khiết, động chạm tới ông ta, ông ta mới náo loạn như thế. Hôm nay, thấy Tế Điên hiện ra ba đạo hào quang như thế, vị tiên gia vốn là người tu chẳng dám đến gần, sợ bị ba luồng ánh sáng đó rọi vào thì mất đi 500 năm công hạnh. Người có lời của người, thú có tiếng của thú, vị hồ tiên đó đã biến làm người được, đạo pháp cũng cao xa lắm, lật đật nói: - Xin Thánh tăng chớ giận! Cũng đừng nên oán trách tôi. Chỉ nhân vì bọn gia nhân của Trịnh Hùng đánh đập bọn tiểu hồ không một chút thương tiếc, nên tôi làm như vậy để bọn nó biết tay. Tế Điên nói: - Ngươi phải mau mau rời khỏi chỗ này cho ta, nếu không đi ta kêu thiên lôi đánh chết đấy nhé! Vị tiên gia ấy tức hóa làm trận gió bay mất. Tế Điên lấy một viên thuốc cho Quảng Huệ uống giây lát tỉnh lại. Quảng Huệ hổ thẹn, mặt đỏ đến mang tai, nói lời cáo từ trở về Tam Thanh miếu. Tế Điên còn ở lại nhà Trịnh Hùng. Hôm sau trở dậy, Trịnh Hùng khoản đãi cơm rượu xong, nghĩ đến ơn Tế Điên trị bệnh mắt cho mẹ, trong lòng rất cảm kích, muốn thay đổi y phục cho Tế Điên để tạ Ơn. Tế Điên nói: - Lần này ngươi muốn tạ Ơn ta thì hãy ghé tai lại nghe ta nói như vầy, như vầy… Trịnh Hùng gật đầu ưng thuận. Tế Điên mới cáo từ ra khỏi nhà Trịnh Hùng đi về phía cửa Tiền Đường. Đến bên ngoài cửa Tiền Đường, Tế Điên thấy có một gánh thịt chó để đó, còn người bán thì đang ngồi xổm đại tiện ở chân tường đối diện với Ngọc Hoàng các. Tế Điên vỗ đầu ba cái, nhướng mắt huệ nhìn xem, nói: "Đây thiệt là người con hiếu bậc nhất trên thế gian. Hòa thượng ta nếu không cứu hắn, ắt lôi thần sẽ đánh chết". Nghĩ rồi bèn hỏi: - Thịt chó này của ai đây? Hỏi liên tiếp ba lần mà không có ai trả lời. Nguyên người bán thịt chó này họ Đổng tên Bình, nhà ở trong cửa Tiền Đường, trong nhà có bà mẹ và vợ là Hàn thị. Đổng Bình là người tánh tình rất đa nghi, thường hay trước mặt mẹ nói nhiều điều bất hiếu, dù mẹ không lỗi lầm chi, nhưng lời nói cũng tỏ ra ngang ngược. Sáng ra, Đổng Bình cùng mẹ cải nhau một trận, Bình cho mẹ không biết gì hết. Vợ hắn là Hàn thị, là người vợ hiền lương, thường khuyên can hắn, nói: - Mẹ đã lớn tuổi rồi, anh không nên vô cớ rầy rà như vậy để mẹ phải buồn lòng. Đổng Bình cũng không nói năng chi, ra cửa đi bán thịt. Hôm đó, Bình xào một chảo thịt chó, bảo Hàn thị xem chừng, còn mình đi mua chó. Triều nhà Tống cho phép người ta mua bán thịt chó tự dọ Đổng Bình đi đường Hồ Đồng, thấy ở phía Bắc đường có một người đứng sẵn chờ, tuổi độ hơn 30, có dáng vẻ như người buôn bán. Người đó hỏi: - Anh đi mua chó về bán thịt phải không? Đổng Bình đáp: Phải. Người ấy nói: - Tôi vốn không muốn nuôi chó, nhưng từ năm kia có một con chó hoang đến ở, đuổi nó, nó không đi. Tối lại đóng cửa nhốt chó ở trong nhà. Nửa đêm nghe tiếng chó sủa, tôi thức dậy xem, thì ra có kẻ trộm đang cạy cửa. Tôi nghĩ rằng con chó này cũng có chỗ dùng bèn để lại nuôi. Năm nay, nó lại sanh thêm một con chó nhỏ nữa, chúng nó cứ giành ăn cắn nhau mãi. Tôi sợ cắn phải đứa con tôi, nên cũng có ý bán nó, nhưng không lẽ đã có ơn nuôi dưỡng lại có cừu giết hại sao? Tôi cũng không cần tiền, anh nên bắt về đi. Đổng Bình nghĩ: "Thế thì hợp quá!". Bèn lấy dây cột con chó lớn, ôm con chó nhỏ, cám ơn người ấy vài câu rồi kéo chó trở về nhà. Đến nhà, cột chó lớn ở trong sân rồi vào nhà lấy dao ra định giết chó. Để dao ở ngoài sân, vào nhà lấy cái chậu trở ra thì con dao đâu mất. Đổng Bình hỏi vợ: - Bà có lấy dao không? - Không có, người vợ trả lời. Đổng Bình đi tìm, thấy con chó nhỏ nằm ép lên lưỡi dao, cán ló ra ngoài. Đổng Bình đi đến, lấy chân đá chó nhỏ một cái, lấy dao lại định giết chó lớn. Con chó nhỏ chạy tới nằm trườn trên bụng chó lớn, nhe răng nhìn Đổng Bình, mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.